Người Việt ở Mỹ: Dì Tôi
Dì Tôi
Trịnh Phi: Ngày tôi đến Mỹ là một ngày cuối Tháng Ba cách nay gần chín năm, đêm đó tôi ngủ ở nhà dì tôi. Phần lạ giờ, phần lạ chỗ nên mãi đến gần hai giờ sáng tôi mới có thể chợp mắt. Nhà của dì nhỏ nên tôi ngủ tạm trên chiếc sofa ngoài phòng khách, kế bên cái bếp. Vừa chợp mắt chút xíu thì tôi nghe tiếng lục đục ngay bên cạnh, mở mắt ra tôi thấy dì đứng ngay cái counter ăn bánh mì. Nhìn ra ngoài cửa sổ, tôi thấy trời tối thui.- Ngủ được không con, mới ba rưỡi sáng thôi, con ngủ tiếp đi. Dì tôi nói.
- Sao Dì thức sớm vậy? Tôi hỏi.
- À, tới giờ Dì đi làm rồi. Con ngủ tiếp đi nha, dì đi đây.
Tiếng xe của dì khuất xa thì tôi cũng tỉnh ngủ hẳn. Tôi tỉnh ngủ không phải vì bị mất giấc, mà vì có cái gì đó thảng thốt trong tâm trí tôi. Hình ảnh của dì đứng gặm ổ bánh mì khô trong ánh đèn bếp vàng vọt vào giữa khuya, lạnh giá khiến tôi xúc động mạnh. Ở Việt Nam tôi cũng từng đi làm công nhân, cũng từng trải qua cảnh nghèo khổ, nhưng tôi chưa từng phải hay thấy người thân nào trong gia đình tôi ăn sáng vào lúc ba giờ rưỡi khuya như thế này.
Ngày thứ hai, khi tôi còn đang ngủ ngon giấc thì tôi lại nghe tiếng lục đục kế bên. Mở mắt ra tôi thấy trời sáng chưng và thấy chị Ly, con lớn của dì đang lục cái gì trong ngăn tủ.
- Mới ngủ dậy hả, ngủ tiếp đi. Ly đang kiếm thuốc cho mẹ.
- Ủa, dì đâu chị?
- Ðang ở nhà thương, mẹ Ly phải đi cấp cứu. Ly phải kiếm thuốc cho mẹ đem vô trỏng cho bác sĩ coi.
Tôi nhảy khỏi ghế phụ kiếm với chị. Chừng một lúc sau, chị đưa cho tôi coi cái hộp thuốc của dì. Lần này tôi càng thảng thốt hơn nữa. Trong đời tôi chưa bao giờ thấy cái hộp thuốc nào to và đựng nhiều thuốc như vậy. Cái hộp thuốc đó to cỡ như cái hộp đựng mứt Tết, với nhiều ngăn nhỏ, đựng rất nhiều viên thuốc đủ màu, đủ hình thù khác nhau.
- Ngày nào mẹ Ly cũng phải uống bao nhiêu đây thuốc.
Chị Ly nói.
Tôi chỉ biết trợn mắt chứ không biết phải nói gì nữa.
Ngày hôm sau tôi mới được vào thăm dì trong bệnh viện. Dì vẫn còn nằm trong phòng ICU, phòng săn sóc đặc biệt. Dì nằm lọt thỏm trong cái giường để giữa phòng, với đủ thứ dây nhợ xung quanh. Xanh xao, khô héo. Lúc đó tôi không tưởng tượng nổi người nằm trên giường là người dì khỏe mạnh, hoạt bát mà tôi mới gặp hôm qua. Khuôn mặt của dì như biến dạng, cái miệng sưng vù, thâm tím, mắt nhắm nghiền trong trạng thái bất tỉnh. Lúc vào phòng cấp cứu, dì đã bất tỉnh nên người ta phải cạy miệng dì ra để đặt ống dẫn khí vào cuống phổi, có lẽ vì phải gấp rút cứu mạng của dì mà người ta đã mạnh tay làm gãy mất 4 cái răng cửa của dì, cả hàm răng dưới cũng lung lay. Cánh tay dì khẳng khiu, đầy vết kim chích. Thân hình dì sộp xuống mỏng manh. Dì như một chiếc lá khô héo sắp rời cành. Lúc đó tôi cảm thấy sợ hãi và nghẹn ngào.
Trên đường về, chị Ly kể cho tôi nghe bệnh sử của dì. Dì tôi bị bệnh suyễn mãn tính đã vài chục năm, nhiều lần lên cơn thì rất nặng, phải vào bệnh viện cấp cứu. Có khi phải nằm bệnh viện vài tuần vì phổi không hoạt động. Mỗi lần dì lên cơn suyễn là phải nghỉ ở nhà cả tháng. Chị còn đùa là dì hay phải đi cấp cứu khi đang ở sở làm, và cấp cứu thường xuyên tới nỗi những người làm chung với dì khi tiễn dì ra xe thường nói “See you next month!” Tôi biết dì tôi bị bệnh suyễn đã lâu vì dì hay nhờ mẹ tôi kiếm mua đủ thứ cây lá, côn trùng sấy khô gửi qua để dì làm thuốc uống. Ai chỉ gì, dì làm nấy. Thôi thì đủ loại, từ mật trăn, mật bìm bịp tới nhiều con dì nhờ kiếm, cả nhà tôi cũng chỉ mới nghe lần đầu, chẳng hạn như con Tèn Hen.
Lần này dì về nhà thì nghỉ làm luôn. Bác sĩ nói dì không thể làm việc được nữa, vì phổi của dì rất yếu, nếu bị lên cơn suyễn nữa thì có thể sẽ không cứu được. Ông ta nói “Bà có biết tôi mới cứu bà khỏi địa ngục không? Bà muốn tiền hay muốn giữ mạng sống của bà”. Công đoàn nơi dì làm việc giúp dì xin được bảo hiểm bệnh tật nơi sở làm và chứng nhận tàn phế. Họ giúp dì điều đó bởi vì dì đã làm cho nhà máy đó hơn hai mươi lăm năm. Sau này dì kể với tôi, dì vô nhà máy đó khi họ mới mở có vài người, cho tới khi dì nghỉ họ có tới vài ngàn công nhân. Dì làm đúng chỗ đó hai mươi mấy năm, ngày nào cũng phải hít bột làm bánh, nên có thể dì bị bệnh là vì vậy.
- Dì làm bao nhiêu năm họ không chuyển dì sang chỗ khác cho đỡ hơn sao?
- Họ cũng muốn đôn dì lên làm supervisior nhiều lần, nhưng dì từ chối. Tại vì dì không biết chữ nghĩa gì hết con ơi. Với lại dì làm quen rồi, dì không muốn thay đổi.
Chị Ly nói thật ra dì không muốn thay đổi là vì dì sợ. Dì sợ bị mất việc làm.
Còn tại sao dì sợ mất việc làm thì tôi có thể hiểu. Một người đàn bà ít học, một mình vượt biển cùng một đứa con gái nhỏ, đến một đất nước xa lạ, với một gánh nặng trách nhiệm với một đại gia đình ở bên kia đại dương, thì làm sao có thể buông cái phao này để bắt cái phao khác? Dì tôi hoàn toàn không có cơ hội để đi học lại, để hòa nhập với xã hội mới, để mà ngoi lên cao hơn nữa. Dì tôi không dám sống cho mình, mà chỉ sống vì gia đình. Dì đơn độc ở Mỹ vì không thể bảo lãnh cho gia đình. Hồi ở trại tị nạn, dì không có người bảo lãnh, nên phải khai tên khác để ghép với một gia đình bà con xa để được vào Mỹ. Trước khi vượt biên đến được đảo Bula Bidong, tàu của dì bị cướp đến bốn lần, khi tới đảo thì ai nấy chỉ còn đúng bộ đồ mặc trên người. Dì nói giữ được cái mạng sống của mình đã là một may mắn, có người ở tàu đi trước, khi lên tới đảo thì họ đã như hóa điên. Lúc đó để thoát khỏi cảnh tị nạn, để mất luôn cái tên thì cũng đành cắn răng. Hồi đó chỉ nghĩ làm sao được đi làm nhanh nhanh để giúp đỡ gia đình còn kẹt lại, chứ đâu nghĩ đến chuyện đoàn tụ sau này.
Ngay những ngày ở trại tị nạn, khi có người bạn ở Mỹ giúp cho vài trăm, dì đã vội vã tìm cách gửi về cho ngoại, dì sợ ngoại bệnh không có tiền mua thuốc. Tới Mỹ hôm trước, hôm sau dì đã xin đi rửa chén cho nhà hàng, làm luôn hai ba việc, để mỗi hai tuần lại gửi về cho gia đình một thùng quà. Dì kể lúc ở tiểu bang lạnh, sáng nào ra khỏi cửa cũng bị té một cái ạch đến tỉnh ngủ vì đường trơn tuyết lạnh. Hai tháng sau thì dì dời về Nam Cali, có được việc làm ở xưởng bánh thì bám luôn tới bây giờ. Cứ như vậy, suốt hai mươi lăm năm, dì miệt mài như một con ong bên dây chuyền nhồi bánh. Mỗi ngày ra khỏi nhà lúc ba giờ rưỡi sáng, về nhà lúc hai giờ chiều. Cái phổi phải hứng không biết bao nhiêu triệu hạt bột, cái thân phải khổ sở với biết bao nhiêu cơn hen suyễn. Dì vẫn can trường chịu đựng với một suy nghĩ rất đơn giản, cha mẹ già, anh chị em bên kia rất cần sự giúp đỡ của dì, nên dì không thể buông tay.
Chính nhờ dì không buông tay, mà chị em tôi mới được ăn học tới nơi tới chốn. Dù chúng tôi lớn lên vào lúc Việt Nam khó khăn nhất, chúng tôi vẫn được đến trường, vẫn có cơm ăn áo mặc, tất cả là nhờ sự hy sinh của dì. Thật không sao nói hết được lòng tri ân của chúng tôi đối với dì. Dì không chỉ cho chúng tôi cơm ăn, áo mặc, mà dì còn cho chúng tôi những bài học về sự hy sinh cho người khác, về tình thương yêu vô bờ bến với người thân, lòng nhân ái với những người xung quanh.
Giờ đây căn bệnh suyễn không còn hành hạ dì nữa. Dì đang sống với con cháu vui vẻ, hiếu thuận trong căn nhà có ba thế hệ. Với mọi người đó có thể là một kết thúc có hậu, nhưng với tôi có chút gì đó đau xót. Niềm vui hôm nay khó lòng bù đắp cho những ngày xuân trẻ đớn đau, khổ cực đã qua của dì.
Câu chuyện của dì tôi, cũng như hàng ngàn cô chú bác, anh chị em khác. Những người hàng ngày vẫn miệt mài với công việc công nhân trong công xưởng, lao công trong nhà thương, phụ bếp, bồi bàn trong nhà hàng, hay bốc vác, làm cá ở chợ, thợ nail, thợ tóc trong các tiệm làm đẹp. Những người làm việc mười hai, mười bốn tiếng mỗi ngày với những công việc nặng nhọc, độc hại. Những người khi về già phải mang nhiều thứ bệnh trong người, phải chịu đựng những cơn đau nhức đến tận xương tủy. Dù họ không có khả năng chữ nghĩa để có thể trở thành luật sư hay bác sĩ, nhưng họ vẫn rất đáng kính vì họ kiếm sống bằng sức lao động chân chính của mình. Họ không chỉ kiếm tiền để giúp đỡ cho gia đình của họ, giúp con cái họ thành tài, mà còn đóng thuế cho nhà nước, giúp cho doanh thương của đồng hương phát triển, góp phần giúp cộng đồng người Việt ngày càng vững mạnh. Chúng ta vẫn hay ca ngợi gương thành công của những người nổi bật mà quên mất sự hy sinh thầm lặng của những người bình thường. Chúng ta luôn ca ngợi sự phát triển của cộng đồng hôm nay bằng những đóng góp của những chính trị gia, nhà khoa học, bác sĩ, kỹ sư mà quên mất những người đó là những bông hoa được nở ra từ sự tưới tắm, vun trồng bằng máu, bằng mồ hôi, bằng nước mắt, bằng tuổi xuân của những người như dì tôi.
Ðừng chỉ nhìn sự thành công của cộng đồng người Việt chúng ta với con mắt vui mừng, hoan hỉ mà hãy nhìn thêm với tấm lòng tri ân và thương xót với những hy sinh lặng thầm.
Little Saigon, ngày 4 tháng 12, 2013