NGÀY MAI TA KHÔNG CÒN THẤY NHAU (*)
Viết ngắn Huyền Chiêu
Sau khi xem trực tiếp truyền hình Lê Uyên
hát ở nhà hát Hòa Bình, Sai Gòn tháng 11 2014.
Trần Mạnh Tuấn. Trịnh Công Sơn. Đinh Cường vẽ 1999
Lê Uyên Phương. Đinh Cường vẽ
Lê Uyên. Đinh Cường vẽ
Trong lịch sử loài người các cuộc chiến xãy ra triền miên. Kẻ thắng giết chết, cầm tù kẻ bại trận cũng đã nhiều. Nhưng bên thắng cuộc cấm dân chúng hát những bài hát được sáng tác từ những nhạc sĩ sống ở phần đất của bên thua cuộc thì chắc chỉ có ở đất nước tôi trong cuộc chiến gọi là “giải phóng miền Nam”
.Sau năm 1975, tất cả các đĩa hát, băng nhạc phát hành trước 1975 bị cấm lưu hành. Nhạc trước 1975 bị gọi là nhạc Vàng . Ngay cả nhạc hòa tấu cổ điển, bán cổ điển cũng bị cho là sản phẩm của tư bản, cấm nghe..
Để bù lại, trong nhà trường, trên nông trường, trong các buổi biểu diển văn nghệ các bài hát “cách mạng “ được gọi là nhạc đỏ được hát vang một cách say sưa.
Các em bé hồi đó rất ưa bài hát Tiếng Chày Trên Sóc Bom Bo:
“cắc cụp cum, cắc cum cum cụp cum
Đuốc lồ ô bập bùng lên ánh lửa
Sóc Bom Bo rộn rã tiếng chày khua…”
Mặc cho cái đói kéo đến kèm theo cái rách là bạn đồng hành, các đội văn nghệ xung kích được các thanh niên trong phường khóm, thôn làng hưởng ứng nhiệt tình.
Cũng vui vẻ, mới lạ đấy chứ.
Đề tài lao động được ưa chuộng nhất.
“Tay anh phá đá, tay em đào sỏi
Ngồi trong xe ủi em nhớ những ngày hè…”
.(Người Đi Xây Hồ Kẻ Gỗ- Nguyễn Văn Tý)
Không được phép nghe, không được phép hát, không được phép sáng tác , dòng nhạc vàng lặng lẽ bị chôn vùi trong huyệt mộ thời gian.
Những ca sĩ hát nhạc vàng, các nhạc sĩ sáng tác nhạc vàng bị hất hủi, xa lánh như tội đồ. Nhạc sĩ Trúc Phương tác giả những câu ca đau buốt tim gan :
“Đường thương đau đầy ải nhân gian
Ai chưa qua chưa phải là người
Trong thói đời cười ra nước mắt…”
đã nằm chết còng queo trên manh chiếu rách trong một nhà trọ tồi tàn không một người thân bên cạnh .Những người yêu nhạc của ông đã phải quên ông, quên những ca khúc nói lên nổi đau khổ, bất hạnh trong cuộc đời này.
Unhappy trong xã Hội Chủ Nghĩa là điều cấm kỵ.
Hai chữ “tự hào” được nhắc đến rất nhiều trong nhạc đỏ.
Cái không khí âm nhạc hừng hực tinh thần” cách mạng” được bùng cháy mạnh mẻ trong một thời gian dài.
Một hôm, bất ngờ như những cây bồ đề mỏng manh, bé xíu mọc ra từ những vách nứt của ngôi nhà cũ kỷ, một vài ca khúc tình cảm nhẹ nhàng len lén ra đời và được mọi người ngấm ngầm ủng hộ.
“Này cô bé có chiếc răng khểnh
Sao thừa một cái chắc để làm duyên
Làm lòng anh từng đêm ngơ ngẩn
Để mộng mơ sao nhớ quá nụ cười..”
(Nguyễn Thiết Hùng)
Thật là động trời. . Cái răng khểnh thì có ích chi cho Xã Hội Chủ Nghĩa? Nhưng dường như bài hát đó đã lọt lưới kiểm duyệt .Có lẻ nhà nước đang lo làm kinh tế và nhu cầu vót chông giết “Mỹ cọp beo” không còn bức thiết.
Nhìn trước nhìn sau không thấy Cô Bé Có Chiếc Răng Khểnh bị phê bình, Thế Hiển cho ra đời ca khúc “ Cô Bé Có Mái Tóc Đuôi Gà”
“Này cô bé có mái tóc đuôi gà
Đạp xe trên phố, phố đông người qua
……………………………………
Tóc em…đuôi gà… la là la”
(Tóc Em Đuôi Gà)
Một hôm, như trời nắng hạn đổ xuống cơn mưa rào mát rợi, một dòng nhạc bolero xuất hiện làm thổn thức những trái tim cằn cỗi. Dòng nhạc ấy có cái tên rất lạ “Nhạc Gò Công”. Và khi Bảo Yến với chất giọng trầm rất riêng, cất tiếng hát “Chiều Hạ Vàng” người ta lập tức hiểu ngầm rằng nhạc “Cắc cụp cum” đã phai mờ trong tâm hồn trử tình của người miền Nam chưa bao giờ hiếu chiến.
Sau 1975 nhạc Trịnh Công Sơn bị xếp vào đội ngủ Nhạc Vàng. Nhạc của ông không được chính thức hát trên truyền hình cho đến khi ông mất năm 2001.
Tội nghiệp cho ông. Sau khi ông qua đòi , bổng dưng những đêm nhạc Trịnh Công Sơn được các bầu sô ưu ái “tưởng nhớ” . Rồi các ca khúc của Văn Cao được phép hát. Phần lớn dân chúng không được nghe những Suối Mơ, Bến Xuân, Cung Đàn Xưa …của ông từ lâu lắm rồi, có người tưởng ông là nhạc sĩ trẻ. Một MC đã giới thiệu : “Nhờ ca sĩ Ánh Tuyết, các ca khúc của Văn Cao được mọi người biết đến”.
Phạm Duy được cho phép về biểu diển ở Việt Nam là một thông tin chấn động.
Như nước vỡ bờ, người dân miền Nam lại được tắm gội trong dòng âm thanh thân quen ngày nào
Làm sao không rơi nước mắt khi hơn ba mươi năm rồi mới được nghe câu hát :
Tôi yêu tiếng nước tôi
Từ khi mới ra đời người ơi”
.. Đối với riêng tôi, Phạm Duy là ông Hoàng của tiếng Việt.
Nếu các ca khúc của Phạm Duy biến mất như tro bụi trên cỏi đời này thì đó là điều tôi tiếc nuối khôn nguôi.
Rồi Lệ Thu, Khánh Ly, Bạch Yến , Lê Uyên lần lượt xuất hiện trên sân khấu của đất nước tưởng chừng nghìn trùng xa cách. Các cô bị phê phán nhưng tôi thích câu trả lời của Lệ Thu “Tôi muốn hát ở nơi nào có người muốn nghe tôi hát”
Những đêm nhạc của các ca sĩ đã gần 70 lúc nào cũng đông khán giả.
Người miền Nam không phải đi nghe nhạc. Họ muốn đến để sống lại xôn xao một thời kỷ niệm, để “Chạnh nhớ câu thề tim tái tê.”
Dù phục trang rất đẹp, trang điểm khéo , các giọng ca dĩ vãng không dấu được nét phai phôi trong tia nhìn, trong giọng hát .Dầu sao, lòng bao dung và yêu mến các cô của người miền Nam vẫn như ngày nào. Khán giả, hầu hết là những mái đầu bạc trắng, Những người ngồi đó, đã từng sống với các cô chỉ vài năm trong bầu trời được hát ca rất tự do của miền Nam. , và đã xa các cô đến gần 40 năm, nhưng gặp lại nhau mắt vẫn còn có đuôi. Những đuôi mắt ấy không phải là đuôi mắt tình tứ của ông già Phan Khôi.Những đuôi mắt ấy là những vết chân chim đã hằn lên vì những giây phút tuyệt vọng, vì những tháng ngày gian nan đau đớn, tủi cực. Những đuôi mắt ấy bây giờ đã nhấp nhem nhưng nhìn ngắm lại người xưa đang đứng kia, trên sân khấu, đuôi mắt cũng đã nhập nhòa, chẳng cần cô hát hay hay dở, họ cũng vẫn bồi hồi thương nhớ lắm những tháng ngày xưa cũ, những tháng ngày tự do rung động, yêu thương những gì trái tim mách bảo.
“Giờ này còn gần nhau
Gần thắm thiết trong môi sầu
Gần bối rối biên giới từ niềm đau
………………………………….
Ngày mai ta không còn thấy nhau”(*)
Tội nghiệp cho người dân miền Nam. Để một lần “thấy nhau” để một lần nghe lại một Lệ Thu say đắm mà trầm tĩnh, một Khánh Ly bạt mạng nhưng cô đơn, một Bạch yến tiếng hát như “Mây xám về ngang lưng trời” một Lê Uyên nồng nàn thắm thiết họ đã phải chờ đợi từ thuở tóc còn xanh.
(*) Cho Lần Cuối, ca khúc của Lê Uyên Phương
Huyền Chiêu