PHÚ XÍCH LÔ
Ban Mai
Trên phố nghèo
Sự đời như thế phù vân
Can qua cũng chỉ dăm ba tiếng cười (1)
Tôi có một người thầy chủ nhiệm từ năm lớp 9, thời gian đã lâu, nhưng đến nay tôi vẫn thường xuyên đến thăm. Có chuyện gì tôi cũng đến tâm sự và nghe những lời khuyên. Mới đây, thầy gọi, em rảnh đến nhà thầy, thầy có vài bạn già nghe tin về quyển sách của em, muốn gặp. Ngạc nhiên, tôi đến. Thầy giới thiệu, đây là những thầy giáo ngày xưa trước 75, có người là thầy của thầy nữa, lâu ngày họ về miền Trung thăm. Tôi là học trò của thầy, mà họ lại là thầy của thầy mình, vậy họ là bậc kính nhi viễn chi của tôi. Những giọng cười hào sảng lâu rồi tôi mới nghe, trong tiếng cười làm như còn vang vọng âm hao của một thời kỳ đã mất.
Người muốn gặp tôi là ông già này, tôi kinh ngạc – ba của T – cô bạn học cùng lớp cấp hai. Ba của T gầy như bộ xương khô, gương mặt ngang dọc những nếp nhăn cực khổ. Ông cười không còn răng, tôi nghe nói ông bị đánh trong nhà lao rụng hết. Tôi nhớ một mùa hè cả phố xôn xao khi hay tin ông đi cải tạo về không biết làm gì nên đạp xích lô. Ba của T là sĩ quan biệt phái dạy học ở trường Cường Để. Tôi nhớ một hôm trời bão, ông đạp xích lô chờ trước cổng trường. Tôi được “hưởng lây phúc xích lô” ngồi chung với T vì ở gần nhà. Trường tôi học phải đi qua eo biển hồi ấy gọi là “eo nín thở” vì đường cua ôm gắt và dốc trơn trợt. Eo biển lúc nào cũng lồng lộng gió phần phật, gió đến trĩu cả tàu dừa. Sợ con bay xuống biển, ông đạp xích lô đi đón. Đạp ngang eo biển, mưa xối xả, sóng lớn lớp lớp dập vào thành đá tràn lên đường, chiếc xe chổng càng, hai đứa tôi run cầm cập ngồi trong xe bịt kín, chỉ có ba của T còm cõi đứng trước càng xe hứng sóng và ráng kéo chiếc xích lô qua đoạn đường dốc đó. Tôi nhớ mãi tiếng sóng động và tiếng gió gào thét của đại dương, cả tiếng T khấn vái cho ba đừng bị cuốn trôi và tiếng kẽo kẹt của bánh xe ba T cố trụ mỗi khi sóng đánh tung lên bờ. Tôi nhớ ngày T khóc sưng mắt vì cha đạp xích lô ế khách, ngồi buồn ông làm thơ, bị cho là “phản động” cấu kết tuyên truyền cùng với nhóm bạn đạp xích lô như ông. Năm đó, cả thành phố rúng động vì khung án cao nhất dành cho người bị ghép tội là án chung thân. Chung thân ở vào lứa tuổi của họ là án chết, án tử đại hình vì còn gì nữa ngoài xà lim tăm tối, đã hết ánh mặt trời của cuộc đời.
Những phu xích lô giỏi Pháp văn, Anh văn, Quốc văn, Toán, Vật lý, Triết Tây đi cải tạo về thích làm thơ nên người dân thành phố lúc đó gọi vui là nhóm “Nhân văn giai phẩm Bình Định”. Một trong những bài “Phú xích lô” khiến ba của T bị đi tù là như vầy:
Góc chợ đầu đường – Bến xe hè phố
Chẳng qua là gạo là tiền – Nào bởi tại căn tại số
……………….…..
Xem ngài:
Con người thanh lịch hào hoa – Tư chất thông minh tài bộ
Đã nhiều năm quan cách xênh xang – Cũng lắm lúc tù đày khốn khổ
Nghiệp xích lô dù rõ nét cu li – Cốt tiên tử vẫn còn nguyên phong độ.
Cà phê thuốc lá mỗi ngày hai cữgiao duyên – Bằng hữu thi ca đôi tháng một lần hội ngộ.
Sớm nghêu ngao thấm giọng nhân tình – Khuya tỉnh tọa nhắp mùi thế cố.
Bốn giờ sáng ì è ì ạch kiếm mối mở hàng – Năm giờ chiều dạo quẩn dạo quanh đưa người lỡ bộ.
Cuốc xe đêm trúng mánh vẫn xuề xòa – Con khách kẹo trật trìa không phẫn nộ.
Định mức hai mươi đủ dù cho mỏi gối chồn chân – Niên canh bốn mươi ngoài mặc kệ trầy khu rách khố.
Bánh xe lăn rổn rẻn xu hào – Cơn gió ngược lắc lư mông cổ.
………………… (…)….
Sá gì bọn đưa hơi đón gió một giọng hồ đồ - Bận chi thằng theo đóm ăn tàn mười phần béo bổ.
Bến khu hai khu một ấy mới cơ duyên – Trời tháng chín tháng mười thường hay bão tố.
Chị rỗi chợ xa khó tính, thích đạp nhanh hơn lá phủ cánh gà – Con buôn xe tải ngon xơi, ưa đậy kín lẫn đường quanh ngõ trổ.
Bực mình chú “bao căn” sinh sự bòn mót từng hào – Khốn kiếp tên điểm chỉ tham lam rình ôm nguyên vố.
Đồng tiền ướt đẵm giọt mồ hôi – Hạt gạo khô cằn hòn tủy đỏ.
Chân đạp đều lúc nhặt lúc khoan – Mắt quần đảo nơi này nơi nọ.
Cùng bạn cũ thường tựa lưng hè phố, luận việc đời câu “Tiết trực tâm hư” – Với đàn em hay gác cẳng thùng xe, bày lẽ sống chuyện “Tri tân ôn cố”.
Chợ Hoài âm Hàn Tín luồn trôn – Bờ Vị Thủy Tử Nha xách giỏ.
Ấn công hầu đâu chỉ để riêng ai – Cung vận mệnh vẫn còn chưa giũ sổ.
Cho hay: Bước đường cùng cũng có lúc nên danh –
Đừng thấy: đạp xích lô mà tưởng đồ bỏ xó.(2)
Ngày xưa Nguyễn Công Trứ cũng từng thao thức chí làm trai của người thất thế:
Ðã chắc rằng ai nhục, ai vinh,
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ.(3)
Còn kẻ sĩ ngày nay?
Tôi không biết kẻ sĩ ngày nay nghĩ gì nhưng tôi thương những kẻ sĩ miền Nam thất thế, sau thời hậu chiến phải chịu bao điều cay đắng. Có những người tài giỏi nhưng không được lưu dụng, thất nghiệp họ ra đường bán sách cũ, đi xe thồ, đạp xích lô, bán bong bóng, về quê cày ruộng. Những người trí thức càng hiền lành thì càng thảm thương. Tôi yêu những người lính dầm sương dãi nắng giữ an ninh làng mạc, giữ cuộc sống an bình cho chúng tôi đi học, cho cha mẹ tôi đi làm. Họ trả giá thay cho những người bây giờ sung sướng. Thời thế thay đổi, họ lây lất sống mà không ai đoái hoài rồi họ chết đi không một nghĩa trang liệt sĩ, không bia tưởng niệm. May mắn sang được Hoa Kỳ thì họ cũng cực nhọc trăm bề vì tuổi trẻ họ đã cống hiến hết cho miền Nam. Ngày xưa, khi còn trẻ chắc họ không nghĩ gì xa vời mà giản dị khi dân lành nguy biến thì họ phải bảo vệ, phải lấy sức mình ra che chắn như ba của T đã lấy tấm thân còm cõi của ông che chắn phong ba bão táp trên đoạn đường eo nhô ra biển để con gái đừng ướt mưa gió, đừng bị sóng cuốn xuống biển sâu, để T và tôi có thể lớn lên tìm hạnh phúc của mình. Họ đâu ngờ mình chỉ là con tốt trên bàn cờ chiến tranh của các nước lớn.
Ba T không chết, ông mang bộ xương còm trở về gặp tôi để trông thấy chút hình ảnh của con gái, nhưng nhiều người đã ở lại trong xà lim vĩnh viễn hay ở lại trong những bãi chôn sau trại cải tạo vĩnh viễn. Còn được phóng thích thì họ còn gì ngoài thân phận xích lô. Thân phận của những người lính bại trận là thứ thân phận còn sức, còn đạp, còn thồ. Đến khi hết sức là hết đạp, hết thồ và đành biến mất như xích lô đang dần biến mất trên đất nước tôi.
Cảm thông những người lính miền Nam là điều tôi muốn viết sau thời hậu chiến, người lính bên này hay người lính bên kia, với tôi họ là NGƯỜI VIỆT NAM.
10/2014
BM
(Tác gỉa chính sửa lại từ bài Tạp bút của tro tàn tháng 10/2010 nhân cái chết của Cao Xuân Huy)
----------
(1) Hai câu thơ này Nguyễn Công Trứ lấy ý từ bài thơ Đại giang Tây khứ của Tô Thức đời Tống (Tô Thức còn gọi là Tô Đông Pha)
(2) Phú xích lô của TôTrần G.
Những đoạn để trống…….…..(…) …người viết không còn nhớ.
(3) Chí làm trai của Nguyễn Công Trứ.