Breaking News

Khổ

   Vợ chồng Đại và Tam là người cùng quê. Họ hơn nhau 4 tuổi. Tuổi thì đẹp nhưng hình thức thì tương phản. Đại cao 1m70, da hồng hào, mắt đen và sáng cùng đôi lông mày rậm nhìn vào có cái gì sâu thẳm nhưng hơi tinh quái, như muốn soi rọi thấu suốt tim đen của người nào định dở trò gì đối kháng. Đại có mái tóc bồng bềnh, lúc nào cũng chải mượt. Ở nhà thì không nói, chứ ra đường bao giờ quần áo Đại cũng được là thẳng tắp, Đại thông minh học giỏi, tốt nghiệp một trường đại học kĩ thuật từ cái ngày xa xưa phải thi rất khó đậu. Tam người thấp, chừng 1m50, to ngang bè bè, mặt vuông da tái nhợt. Đôi mắt to dài nhưng lòng trắng đục mờ lúc nào trông cũng mệt mỏi. Tóc Tam chưa già đã lưa thưa vì rụng, luôn để lộ da đầu sùi những đám gầu trăng trắng. Tam không sáng dạ như chồng nhưng cũng đã kiên trì dùi mài ngữ sử để có cái bằng đại học tiếng Trung. Họ có với nhau hai mặt con, một trai một gái khỏe mạnh, ngoan ngoãn, học hành giỏi giang. Đại ra trường lên miền núi công tác, một năm may chăng một đôi lần về xuôi thăm nhà. Tam nuôi con một mình ở Hà Nội, vất vả, nhưng không bao giờ kêu ca, phàn nàn. Chị rất ít khi cười, sống nội tâm, khép kín. Nhìn dáng vẻ chị tất bật, hiếm khi hồ hởi, chỉ im lìm như một tảng băng, mọi người bảo, đúng là học tiếng Trung có khác, thâm lắm, chẳng biết đằng nào mà lần! Khổ thân chị, học là học vậy, chứ có được dùng tiếng Trung mấy khi. Hồi đầu mới ra trường, chị về nhận công tác tại một thư viện của một trường đại học, thì còn nhúc nhắc, thôi thì làm thẻ, xếp sách, tra tra cứu cứu mấy cái tiêu đề, ai hỏi mượn thì đưa rụt đưa rè thấp thỏm vì sợ nhầm. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, anh Đại, chồng chị đã lo thu xếp xin cho chị lên cơ quan chủ quản của anh ở Hà Nội, thì chị đoạn tuyệt hẳn với nghề. Chị làm văn thư cho đơn vị kĩ thuật chúng tôi. Công việc của chị thật là nhàm chán, tẻ ngắt so với các bạn trẻ ở đây. Mọi người luôn đắm mình trong các hoạt động tả đột hữu xung của một ngành công nghệ non trẻ và nói tiếng tây rào rào, nào Nga, nào Đức, nào Anh, chứ không ai nói tiếng Trung. Nên chị đã lẻ loi lại càng cô đơn hơn.Tuy vậy, mọi người đều cảm thông với chị. Tôi cũng vậy, chồng đi bộ đội xa nhà, nuôi con một mình thì càng thương chị lắm, Tôi luôn xem chị như cùng cảnh ngộ với mình. Gọi là cùng cảnh ngộ thôi, chứ tôi sướng hơn chị nhiều. Tôi được hưởng lương kĩ thuật cao hơn, lại có lương của chồng gửi về nữa. Tôi có mẹ trông con cho những lúc ốm đau, chứ chị thì tuyệt đối trông vào mấy đồng lương còm cõi của riêng mình hay sao ấy. Chị chẳng có ai thân thiết ở bên. Chị mồ côi bố mẹ từ khi còn nhỏ. Lúc trái gió trở trời, mẹ con chỉ ôm nhau mà rơm rớm nước mắt.
           Ngày nghỉ, hoặc lúc chị ốm đau, tôi thường tới thăm mấy mẹ con. Tôi chưa bao giờ gặp anh Đại, chồng chị, mà chỉ gặp một người đàn ông khác là Tân - lái xe cho cơ quan. Anh Tân rất lành hiền chứ không dữ dằn như người ta hay bình luận về nghề nghiệp của anh. Đôi mắt anh nhỏ và dài, không sáng nhưng có ánh nhìn đằm thắm, thương sót. Anh cũng cao nhưng đôi vai xuôi như vai con gái nên trông có phần yếu ớt. Áo sơ mi xẫm mầu luôn được mặc và cài khuy ở cổ tay cẩn thận, bỏ ngoài cái quần hơi rồng rộng. Tôi không xét đoán để ý gì. Tôi chỉ nghĩ họ ở cùng khu tập thể thì sang chơi thăm nhau cũng là bình thường. Nghe nói, Tam hay bảo con mang sang cho bác Tân khi thì bát canh cua, lúc thì bát cháo đậu đen ngày hè nóng bức. Còn anh Tân thì mỗi lần Tam ốm đau mỏi mệt lại kịp đến để đun cho bạn nồi nước lá xông giải cảm, hay mang vài viên thuốc trăng trắng xanh xanh.
            Cho tới một ngày, tôi được ông Bí thư Đảng ủy đơn vị gọi đến họp, cùng một số anh chị em khác nữa, đủ thành phần công đoàn, tổ trưởng chuyên môn…Thì ra, đơn vị đang nghi ngờ Tân và Tam có tình ý với nhau trong khi cả hai đều có gia đình riêng. Theo yêu cầu của tổ chức, tôi cùng vài ba người nữa phải về quê Tân điều tra, xem vợ con anh đang sống ra sao, tình cảm gia đình thế nào. Về quê, mới tới đầu làng hỏi thăm nhà Tân thì bà con chỉ dẫn và đã xì xào ngay rồi, Tân bỏ vợ con, loằng ngoằng với cô nào trên cơ quan. Thì ra, con trai lớn của Tân đã có lần rình bố đi đâu tới đâu và kịp làm um lên rồi. Câu chuyện trở nên gay go thật sự chứ chẳng chơi. Đoàn không dám hỏi gì chị vợ, chỉ coi như đi công tác ghé thăm gia đình. Mặc dù vậy, vợ Tân đã kịp khóc lóc thảm thiết, kể lể và mong cơ quan giúp đỡ. 
             Từ nhà Tân về, tôi buồn lắm. Tôi thương bạn, nhưng tôi thương vợ Tân hơn. Chị là một phụ nữ nông thôn tảo tần, cuộc sống còn cơ cực hơn Tam nữa ấy chứ. Chị cũng có một trai một gái giống như Tam. Các cháu đều khỏe mạnh ngoan ngoãn nhưng chẳng được học hành gì, đến hết cấp 2 là ở nhà làm ruộng với mẹ rồi. Trước kia, anh Tân tuần nào cũng về nhà, có khi tuần về vài ba lần, nhưng bây giờ thì không. Chiến tranh lạnh đang xẩy ra. Vợ anh hiền lành, không ghê gớm, chỉ lặng lẽ khóc thầm.
           Tôi, gọi là thương quí Tam, chứ không hẳn thân thiết theo đúng nghĩa bạn thân. Bởi vậy, tôi không dám tâm tình gì với Tam, và Tam cũng không có ý định chia sẻ với tôi, với đồng nghiệp. Tam chỉ im lặng,  
   Một lần, Đại về xuôi thăm nhà. Đại ghé vào cơ quan vợ. Vị bí thư Đảng ủy nọ chủ động gặp Đại, mời Đại vào phòng uống nước. Ông chậm rãi một cách nặng nề, nghiêm trọng:
- Anh Đại này. Tôi muốn trao đổi một chút về chuyện của gia đình anh…
- Vâng, anh cứ nói. – Đại đáp vẻ hững hờ.
- Theo tôi, anh xem thế nào xin chuyển về dưới này làm việc, để vợ chồng có nhau...
- Tôi cũng đang thu xếp anh ạ - Đại ngắt lời.
- Là tôi muốn nói, anh chuyển về, để lo ổn thỏa gia đình, chứ chuyện vợ anh tằng tịu với cái cậu Tân ấy, anh chắc nghe mọi người xì xào rồi đó,…
- Hà hà, tưởng chuyện gì, chuyện đó thì anh cứ bình tĩnh, đâu có đó mà! - Đại đứng dậy vỗ vai người bí thư Đảng ủy.
-?!?
            Đại chào ông bí thư rồi ra khỏi phòng, nét mặt thản nhiên. Ông bí thư tái mặt, nhưng cũng phải cười cười gượng tiễn chân một người đàn ông mà theo ông nghĩ, là kì quặc. Ông như cứng họng, không thể dài dòng tuôn trào tiếp những lời khuyên mà ông từng tâm đắc. Ông không thể làm được việc gì nữa, đành tạt vào phòng tôi. Anh chị em trong phòng đang chuyện trò gì có vẻ sôi nổi lắm. Thấy ông vào, mọi người thoạt đầu hơi chững lại, nhưng rồi Bình, cậu kĩ sư trẻ nhất phòng, tính tình vui vẻ, khôi hài, đã hắng giọng, lấy lại vẻ tự nhiên mà đột phá:
    - A anh Toạ đây rồi. Mời anh vào uống nước ạ. Bọn em vừa mới giải lao một tí, đang chuyện phiếm.
           - Các cậu có chuyện gì mà rôm rả thế, chả bù cho tớ đang bực mình đây! - Ông bí thư ngồi xuống ghế và nét mặt buồn buồn pha một chút tức giận.
         - Là em đang hỏi chị Minh Quang. Theo em nghĩ, đã là tình yêu thì tình yêu nào cũng đẹp. Vậy sao chúng ta lại cứ phải can thiệp vào chuyện riêng của họ kia chứ? Em muốn thắc mắc về cái chuyện các anh cử chị Minh Quang và bọn em về điều tra tình hình vợ con của anh Tân nhà mình ấy ạ. Mong anh đừng giận.
           Mọi người trong phòng thấy Bình nói thế, hơi hốt hoảng, len lén liếc nhìn ông bí thư. Ông bí thư dường như không để ý đến thái độ của anh chị em, thả phanh dốc bầu tâm sự:
- Ôi dào, tớ cũng đang bực về cái chuyện ấy đây. Biết tình hình họ rối ren rồi, lúc nãy tớ mới nói chuyện với cái cậu Đại, chồng cô Tam ấy.
Ông kể lại câu chuyện đối thoại của hai người như trên cho mọi người nghe. Rồi ông nhấn mạnh lần nữa:
- Hừ, tớ khuyên bảo thật lòng để nó xin về dưới này giải quyết chuyên gia đình cho ổn thỏa, thì nó lại vỗ vai tớ bảo tớ bình tĩnh. Mẹ…nó chứ! Nó đáng tuổi em út tớ mà nó lại vỗ vai tớ, hỏi có lộn tiết không hả các cậu?
- Anh ơi, tưởng chuyện gì chứ cái thái độ kỳ quặc có một không hai trên đời này thì anh Đại là nổi tiếng từ lâu rồi, chỉ là vì anh không được nghe nhiều chuyện đấy thôi…- Một cậu chêm vào.
- Thế các cậu thử nghĩ xem, họ cứ quan hệ loằng ngoằng thế thì ảnh hưởng hết cả còn gì. Các gia đình là cứ tan vỡ hết - Ông bí thư than phiền.
- Thôi anh, mặc họ. Em nghĩ là anh phải lo cho gia đình anh đi ạ. Vợ anh đẹp thế, trẻ thế, lại là văn công. Anh thì tóc bạc gần hết đầu, suốt ngày tay lấm lem dầu mỡ, bọn em đang lo cho anh đây - Cậu kĩ sư trẻ tiếp tục “tấn công” trêu đùa.
- Hả, cậu lo cho tớ ấy hả? Tớ lại phải vỗ vai cậu rồi, cậu cứ bình tĩnh. Tớ đã bảo vợ tớ rồi: “Này mình, ở khu tập thể này có 9 cặp vợ chồng thì đã có 8 cặp bỏ nhau, chỉ còn mỗi tớ và mình. Tớ dặn mình trước đây này, nếu sau một đêm đẹp trời nào đó, tỉnh dậy, mình thấy chán tớ thì cứ việc nói một câu “Ông ơi tôi chán ông rồi!” Thế là tớ sẽ móc hầu bao đi mua ngay một lô bia và ít đồ nhắm, rồi tớ và mình liên hoan chia tay, đơn giản thế thôi. Chứ nếu mình mà lẳng lặng theo thằng nhãi ranh nào thì không xong với tớ đâu, tớ bảo trước cho mà định liệu -Ông bí thư trở lại vui vẻ và hăng hái chia sẻ.
- Ha ha hoan hô anh, chiêu của anh thật là tuyệt, các cậu phải học anh về răn đe phu nhân của mình đi nhé. – Tôi hỉ hả trêu đùa mọi người.
- Thôi không phải tán chuyện của tớ nữa. Tiếp tục cái chuyện bộ ba kia đi. Tớ cũng thấy nản. Thú thực với các cậu, tớ chả muốn rây vào họ nữa! Họ có phải là trẻ con đâu, họ phải tự quyết định lấy đời mình và hạnh phúc của mình chứ.- Ông bí thư nói, vẻ mặt trầm ngâm.
- Anh thật chí lí! Giá mà anh chí lí sớm hơn có phải bọn em đỡ phải về cái làng xóm kia mà điều tra điều hỏi không - Bình lấn tới, bỗ bã.
- Suỵt, cậu nói cái gì thế? - Một bạn trẻ khác lườm Bình.
- Thôi tớ về đây. Tớ nhức đầu quá từ khi bị thằng cha Đại vỗ vai - Ông bí thư thật thà tâm sự nốt rồi đi ra.
                Tán chuyện ở cơ quan thì thế, còn thực tình, trong lòng, tôi buồn lắm. Tôi chẳng biết nên nói thế nào với Tam, với anh Tân, anh Đại cả.
             Cho tới một lần họp kỉ niệm ngày thành lập ngành, tôi gặp hai vợ chồng Đại và Tam ở ngoài cổng cơ quan. Đây là lần đầu tiên, tôi được tiếp kiến với người đàn ông “đặc biệt”, vì hôm Đại đến nơi làm việc thì tôi ra ngoài có chút việc, không gặp . Tôi chào và hỏi thăm xã giao. Đại niềm nở, vui vẻ lắm. Trong lúc nói chuyện, Đại luôn tay cầm quạt phe phẩy cho vợ, và bảo tôi rằng anh ấy thương vợ lắm, vất vả bao năm nuôi con một mình rồi, rằng lần này anh ấy về nghỉ tạm một thời gian, anh ấy sẽ xin tổ chức cho chuyển công tác về xuôi để gần vợ con, để đỡ đần việc nhà cho vợ chứ vợ anh hồi này yếu hẳn đi, để chăm lo bảo ban con cái học hành chứ thằng cu lớn đang chuẩn bị thi vào đại học rồi, con bé út thì thi lên lớp mười.…Nghe vậy, tôi cũng cảm thấy yên lòng. Thôi thì quá mù ra mưa, vợ chồng Tam bây giờ ổn thỏa là may quá.
             Lại một lần khác, Tam nghỉ ốm. Tôi cùng bạn bè ở công đoàn tới thăm. Đúng lúc mọi người đến, thì Tam đang mải cãi nhau với chị hàng xóm, về chuyện xây bức tường thế nào đó. Tam mặt đỏ phừng phừng, thấy bạn bè đến đành miễn cưỡng trở về tiếp khách. Tam bảo, Tam đã bớt bệnh rồi, đã dậy cơm nước được rồi. Mọi người ngồi xuống uống chén trà thăm hỏi tíu tít nào chuyện ốm đau, nào chuyện cãi nhau, đủ cả.
              Đại, tay vẫn cầm một cái quạt thường trực, quạt cho vợ, và bảo:
            - Thôi, em đừng có bực mình nữa mà khổ thân, lại ốm thêm nữa. Em cứ kệ họ. Em chỉ cần biết có anh là chồng em, thương em là đủ rồi. Em chỉ cần biết có anh là chồng em, yêu em là đủ rồi…
            Cả đám công đoàn ai cũng muốn trợn ngược mắt lên vì kinh ngạc. Chưa bao giờ mọi người được tận tai nghe thấy một người đàn ông nào dỗ vợ ngọt ngào công khai thái quá, cứ như đang diễn trên sân khấu ấy. Tôi hơi buồn cười mà phải nín nhịn. Tôi cũng rất ngạc nhiên, nhưng rồi lại nghĩ, thì mỗi người có một kiểu thể hiện tình cảm khác nhau. Tôi chợt mủi lòng thương cảm Đại, thầm trách sao Tam nỡ lòng nào mà lại phản bội chồng.Thế rồi, có một chuyện buồn và khó hiểu xẩy ra. Tam mới khỏi ốm ít ngày thì lại bị đau chuyện khác. Chả là Tam nuôi gà để thêm thu nhập, nhưng không may, bị nhiễm trùng đầu ngón tay hay thế nào mà tay sưng vù lên phải vào điều trị tại bệnh viện. Lúc đầu, ai cũng tưởng đấy chỉ là chuyện nhỏ, ngón tay nhiễm trùng thì dùng kháng sinh, khỏi là xong. Ai ngờ, cái sẩy nẩy cái ung. Ngón tay của Tam phải tháo khớp, nếu không sẽ lan bàn tay, cánh tay thì còn khổ nữa. Bác sỹ bảo vậy. Thế là tôi và chị em trong cơ quan phải xin phép lãnh đạo, thay nhau vào bệnh viện chăm sóc Tam, nhất là những giờ các con Tam đi học vắng nhà. Tịnh không ai thấy Đại xuất hiện bao giờ. Ai cũng ngạc nhiên, có hỏi thì cũng hỏi qua qua, không dám hỏi kĩ, mà Tam chỉ có chảy nước mắt chứ không giải thích. Đến nước này, thì mọi người mới càng cảm thấy bức bối hơn. Bao nhiêu giả thuyết đặt ra:
               - Người đàn ông đặc biệt ấy đã trả thù vợ trong quan hệ riêng, nhưng bề ngoài với cơ quan, bạn bè đồng nghiệp thì tỏ vẻ quan tâm, yêu quí vợ, cũng là một cách như đã trả lời với ông bí thư rằng, anh cứ bình tĩnh, đâu có đó…
                - Anh Tân và chị Tam vẫn đang bàn tính ngầm xem họ có thể lấy nhau được không? Nhưng hình như không dễ dàng vì họ làm việc trong cùng một cơ quan.
               - Bọn trẻ con nhà anh chị Đại Tam rất yêu quí bác Tân, chứ không quí bố Đại. Hình như chúng chỉ sợ bố thôi. Có thể tạm lí giải vì chúng không gần bố, bố ít về nhà.
                                       
                Cho tới một ngày, dường như không thể nào khác được nữa, Tam mới tâm sự với tôi:
                                   
            - Minh Quang à, mình biết bạn rất thương mình. Mình đoán Minh Quang đang nghĩ cách giúp mình giải tỏa bê bối của gia đình mình. Nhưng mình không biết làm thế nào cả. Mình cũng đã cố gắng thu xếp, cũng có những dũng cảm cần thiết để làm chủ đời mình, nhưng mình bất lực. Anh Tân đã không trở về với vợ anh ấy, cũng không dám lấy mình, mà đã yêu một cô gái khác rồi. Cô ấy không đẹp, nhưng được cái là rất trẻ, kém anh ấy cả vài chục tuổi. Chắc anh ấy ngại cơ quan mình…Đến tháng sau là anh ấy làm đám cưới.
Tôi ngập ngừng hỏi:
- Thế còn chị? Chị với anh Đại thì sao?
Tam rơm rớm nước mắt:
              - Vẫn thế thôi, mình đã quen mọi thứ rồi Minh Quang ạ. Cái bên ngoài và cái bên trong của anh Đại khác xa nhau một trời một vực, không ai tưởng tượng nổi đâu. Bây giờ nói chuyện với Minh Quang mà mình vẫn đang rùng mình đây. Anh ấy đã xé toạc hết tất cả quần lót và đay nghiến tra tấn mình đủ kiểu, mà thôi mình xấu hổ lắm, mình không dám kể bạn nghe đâu, hãy thông cảm cho mình. Mình biết mình có lỗi, nhưng mình thèm khát tình yêu và sự sót thương chân thành, giản dị của người đàn ông, điều mà anh Tân đã dành cho mình tất cả….nên mình không thể nào đừng được trong mối quan hệ bất chính này. Giá như bọn mình không ở cùng một cơ quan, giá như…Nhưng mà thôi, hai đứa con mình vẫn cần có bố. Và kết cục là anh Tân với mình cũng chẳng nên cơm cháo gì cả. Thành thử mình phải chấp nhận cái tình yêu địa ngục này, cho đến một ngày nào đó, rất gần chứ không xa nữa đâu, mình tin là anh Đại phải thay đổi cách xử sự với mình, bởi vì một bí mật cốt lõi, mình chẳng dấu bạn nữa, là mình có đủ bằng chứng rằng, hai đứa trẻ không phải là con của anh Đại, vì anh ấy bị vô sinh! Mình chỉ nói với Minh Quang thôi nhé, đừng có cho ai biết chuyện này…
-???
               Tôi chia tay Tam mà lòng rưng rưng. Tự nhiên, tôi lẩm bẩm một mình “Đời là bể khổ thật chứ chẳng đùa! ngoại trừ một mình ông bí thư” … Lẩm bẩm xong, tôi hoảng quá giật mình nhìn quanh, may không có ai nghe thấy cái câu nói lung tung của tôi.
                             Sửa lại ngày 12 tháng 11 năm 2014
                                                     Hồ Minh Quang

Bài đăng phổ biến