'Anh lúc nào cũng vậy'
Không biết tự bao giờ, và vì nguyên nhân gì mà phụ nữ cứ quy nạp chồng với những mệnh đề “anh lúc nào cũng như vậy”, “anh lúc nào cũng thế kia”, dù họ biết chắc bản chất sự việc không phải như vậy. Nếu được hỏi, chắc các quý bà, quý cô cũng khó lý giải được…
Cơm tối xong, chồng đổ lười, vừa nằm xem ti vi vừa “điều đình” với vợ:
- Hay là cứ ngâm chén đũa đó, để mai rửa luôn?
Vợ lập tức “nóng máy” như chiếc mô tô phân khối lớn, vừa đề đã bốc:
- Anh nói kiểu gì lạ vậy, chén đũa mà ngâm đó cho nó bốc mùi à? Anh lười thì cũng lười vừa thôi chứ! Vợ hầu cho ăn uống, rồi nằm kềnh ra đó, lười chảy thây.
Chồng xua tay, rồi nặng nề nhấc mình lên:
- Được rồi được rồi, em đừng nhiều lời nữa, anh đi rửa chén ngay đây.
Vợ: Anh nói gì? Ai nhiều lời? Em mới nói thế thôi mà anh đã bảo là em nhiều lời. Anh nghĩ lại coi, ai cũng đi làm cực khổ như nhau, em còn phải đón con, đi chợ, nấu nướng. Anh chỉ việc về ăn rồi rửa chén thôi mà còn không xong. Em có nói gì đâu mà anh bảo em nói nhiều?
Chồng: Thì em đếm lại coi, nãy giờ ai nói nhiều, ai nói ít?
Vợ: Hôm nay anh lại giở chứng cà khịa vợ nữa à?
Chồng dằn mình, vào bếp rửa chén, vớt thêm một câu: Không dám, dại gì đụng vô ổ kiến lửa.
Vợ lải nhải thêm một tràng, chồng nín nhịn, khoắng lia lịa đống chén như trút giận. Nhưng rồi anh không nhịn được nữa khi nghe vợ quy nạp: “Anh lúc nào cũng lười chảy thây”. Rầm! Một cái đĩa vỡ tan tành. Mắt chồng đỏ ngầu, anh lừ lừ tiến ra phòng khách, trên tay vẫn còn cầm nùi rửa chén đầy bọt: “Cho cô nói lại một lần nữa, tôi có phải là người lười chảy thây không? Tôi không bao giờ rửa chén, vậy hôm qua ai rửa chén? Hôm nay ai rửa chén? Tôi không rửa chén thì tôi đang làm gì đây?”.
Vợ tái mặt, không ngờ “lão” chồng vốn hiền lành là vậy mà hôm nay dám đập bể đĩa, rồi còn gầm gừ như hổ. Vợ hạ giọng:
- Thì em nói vậy thôi, có ý gì đâu.
Chồng (giọng vẫn còn run lên vì giận): Không có ý gì thì nói làm gì?
Vợ: Thì… nói cho anh biết là anh không siêng làm việc nhà.
Chồng: Tôi có thể không siêng làm việc nhà, nhưng tôi đâu phải loại lười chảy thây. Tôi định bỏ rửa chén một bữa, đâu có nghĩa là tôi không bao giờ rửa chén. Cô bỏ cái thói hễ đụng một tí không vừa lòng là kết luận tính cách của chồng như vậy. Cô thử nhớ lại coi. Hôm trước, chỉ vì phát hiện tôi cho mẹ chút tiền mà cô bảo tôi là người đàn ông vô trách nhiệm với gia đình, chỉ biết lo cho mẹ ở quê. Tôi đón con trễ có 30 phút vì đi nhậu về trễ mà cô bảo tôi là đứa trẻ to xác, chỉ biết mê chơi, mê ăn nhậu, cả đời cũng không bao giờ ra dáng người cha. Cô nghĩ lại đi, nếu cô mà là tôi, cô có chịu nổi những câu đó không?
Nói đoạn, chồng khoác áo ra khỏi nhà. Vợ “đứng hình”, chẳng nói thêm được lời nào, thút thít khóc. Đứa con gái năm tuổi thấy cha giận, mẹ khóc, cũng khóc theo.
Con đã ngủ, vợ ngồi trên sofa nhưng không bật ti vi như thường lệ. Đã hơn 11g đêm nhưng chồng vẫn chưa về. Vợ bắt đầu lo và nghĩ ngợi. Mình cũng là người hiền lành và biết điều, nhưng chẳng hiểu vì sao, từ khi có chồng lại sinh tật mắng sa sả người khác. Có khi, mắng con thì mình còn ngại, còn đắn đo, chứ mắng chồng là cứ xơi xơi. Chồng chỉ biết rối rít xin lỗi để vợ hạ hỏa. Chồng tỏ ra nhẫn nhịn, vợ lại “được đàng chân, lân đàng đầu”, tăng “đô” dần, cứ câu trước câu sau là “kết luận” cả tính cách của chồng.
Vợ cầm điện thoại trên tay, chần chừ muốn nhắn tin xin lỗi chồng và hỏi xem mấy giờ chồng về, nhưng sao khó quá. Từ trước đến giờ, chỉ có chồng xin lỗi vợ, chứ gần như vợ chưa xin lỗi chồng bao giờ.
Nhưng rồi, qua cơn nóng “xuất thần”, chồng trở lại với chính mình: sợ vợ buồn. Tin nhắn bay về: “Em đã ngủ chưa? Anh xin lỗi vì đã nổi nóng. Anh đang chạy về thật nhanh đây, em đừng sốt ruột nha”. Chị rối rít nhắn lại: “Em chưa ngủ, em không sao anh ạ. Anh chạy từ từ thôi, chạy nhanh nguy hiểm”. Vợ thoáng giật mình. Hình như đã lâu lắm rồi mình mới nhắn được một cái tin “tử tế” như vậy với chồng.
Có lẽ, cuộc sống quá vất vả, kéo vợ theo cái guồng tít mù lo nghĩ, mệt mỏi, chán nản nên dễ trút giận bất cứ lúc nào. Nhưng trút vào ai? Bày tỏ thất vọng với ai? Với chồng là “dễ” nhất. Bởi đơn giản, xưa nay, nói gì chồng cũng nhận, cũng xin lỗi, cũng hứa khắc phục.
Có tiếng xe về đến cổng, vợ luống ca luống cuống, không biết phải đón chồng với thái độ thế nào cho hợp lẽ. Cũng lâu rồi vợ mới có “cơ hội” nghĩ đến chồng nhiều như vậy.