Breaking News

TIẾNG KÈN VANG LỘNG KHÚC NHẠC 2603



Ngu Yên


Hồ Travis. Photo Andy & Mỹ Hạnh


Căn nhà Big Horn nằm lưng chừng đèo, treo cuối dốc sâu.
Giữa trời thu và dòng Colorado chảy vào hồ Travis.
Nước trong in bóng chim bay sống động, khiến đàn cá giật mình tưởng thiên thần.
Cây mọc ven bờ triết lý hơn nhờ hàng ngày soi bản thân trên dòng sông luân chuyển.
Cây mọc quanh nhà cằn cỗi nhưng trẻ lại, nhờ nghe những người già cười như trẻ thơ.
Bằng hữu vượt lưng chừng đèo, tuột xuống dốc sâu, gặp Big Horn, Tiếng Kèn Vang Lộng khúc nhạc 2603  bắt đầu chiều thứ Sáu.

Căn nhà Big Horn có 64 bậc cấp quanh co, bậc cuối cùng chạm mặt hồ.
Có bàn ăn 8 ghế, 16 người ngồi, 32 miệng ăn, 48 trái tim đập theo thời giờ vui chơi cấp bách.
Có 29  chai rượu vang, 1 chai cognac, 2 chai whisky, 1 chai Jack Daniel và mấy chục lon bia.
Có cháo vịt, gỏi vịt, bò kho, cà ri, bánh bao, mì hoành thánh, bê thui, ốc luộc sả, tôm thẻ nướng.
Chỉ có hai phòng tắm. Khi cánh cửa đóng lại, chờ nhau, lẩm nhẩm cho thuộc Hòn Vọng Phu.
Căn nhà Big Horn có 1 ngày rưỡi hoàn toàn khác thường, nơi Lưu Nguyễn vẽ bản đồ, người sau tìm đến.
10 đàn ông, 6 đàn bà và hàng ngàn lá rụng, chồng chất, thương khó ướt dưới bão mưa. 32 bàn chân dẫm lên, thêm nhiều lần lá kêu đau đớn. Xin cảm ơn, làm người sướng hơn.
Vì sao có 48 trái tim?
Mỗi người có 3 trái: một cho người yêu, một cho bằng hữu, một lãng đãng chìm đắm suy tư hay hoan lạc trong 36 giờ không có trong cõi sống. Phải chăng khi Lưu Nguyễn trở lại, không còn thấy ai, cho dù tiếng kèn vang lộng, chỉ là điệu nhạc khác.

Bằng hữu hát:
Nhạc sang nhạc sến nhạc sáng tác, không kể ngày hay đêm, không cần biết mấy giờ, không cần biết hàng xóm có chịu làm thính giả. 32 cái miệng, cứ thế, hát to hát lớn cho đến khi khan giọng. Không vỗ tay. 3 cây đàn gật gù 3 chàng nghệ sĩ. Whisky chảy từ môi xuống mười ngón tay. Cognac ứa ra hai tai. Rượu đỏ đã thay máu. Cứ thế, 30 ngón tay hóa thành 60, 60 hóa thêm 120, càng hát càng đàn càng mọc nhiều ngón. Chân vẫn không đổi thay.
Dễ thương nhất, dàn miệng hợp ca Hòn Vọng Phu toàn tập. Thâu hình. Nghe lại
Hay không? – Chưa hay
10 năm sau? – Hay quá
20 năm sau? – Người còn sống nghe chảy nước mắt.

Bằng hữu đọc thơ:
Đêm thứ Bảy, ngoài trời mưa như ai tạt nước vào ổ kiến. Thi sĩ thì thầm, mưa vỗ lên gương nhưng không át nổi những lời ca từ vùng thảo nguyên quá khứ. Thi sĩ lên giọng, sấm sét thi đua đè bẹp, vậy mà không thể tranh đua với lời thơ tưởng nhớ mẹ cha.
Đêm thứ Bảy, trong nhà ấm cúng vì những bờ môi thông thương hơi thở, vì sức nóng đam mê dâng nhiệt độ trữ tình, vì thi sĩ lãng mạn đọc thơ có nhiều chữ “em”, yêu đương chẳng qua là cái cớ, cho nhân sinh mượn tạm vui buồn.
Đêm thứ Bảy, 16 người ngồi lỏng chỏng, thấp cao, trên ghế dưới đất. Có kẻ cuồng vui leo lên bàn. Đôi chân lỏng lẻo đạp vào âm điệu, lao đao tay vịn không khí. May thay, không có ai bị thương.

Bằng hữu ngủ:
Mấy ai được thưởng thức âm nhạc của giấc mơ hòa tấu?
Chút duyên thức dậy lúc 4 giờ 30 sớm, giữa âm u của 15 người mơ. Nằm nghe nhạc chân thành từ tim phổi, từ sinh tồn ám ảnh xuất hiện qua chiêm bao, mỗi người diễn tả cách khác nhau. Mỗi tiếng ngáy mỗi tâm tình u uẩn.
Có tiếng trầm, đều đều như tụng kinh.
Có tiếng cao, ngắt khúc, vào ra điệu nghệ, nghe như tiếng sáo khe khẽ.
Có tiếng bùng lên bất chợt như tù và.
Có tiếng bất ngờ “khột” to chấm dứt nghẹt thở.
Có tiếng ngáy chính xuống lên, thấp nghe ủ ê, cao nghe tha thiết; đôi khi ngưng lại ư ư.
Có tiếng ngáy bè màu sắc hợp âm; nhiều đoạn lạ lùng khiến người nghe khâm phục.
Hay nhất, tiếng thở ồ ồ như gió thổi hang động, rồi trở thành gió lộng vườn tre bởi tiếng nghiến răng.
Bản Giấc Mơ Hòa tấu dịu dần rồi tắt lịm lúc 7 giờ, khi mùi cà phê đầu tiên kêu gọi.

Khi những trận mưa thiên thai đã chấm dứt. Nắng lên như trăm tay lay động khiến mộng mị bỏ đi xa. Người trở về thực tại. Mỗi người mỗi miệng, mỗi trái tim, mười ngón tay, vẫn 64 bậc cấp và hồ nước bình thản như chưa hề chứng kiến chuyện thần tiên ghé chơi.
Những con chuột nước sắp hàng bơi, lơ đãng rất coi thường nghệ sĩ.
Vài con le le thả trôi theo gió, không quan tâm những nhạc phẩm hay nhất đã được trình bày.
10 giờ sáng Chủ Nhật, thu vén những mảnh vụn chiêm bao vung vãi khắp nơi, có vài mảnh khá lớn.
10 giờ sáng Chủ Nhật, quét dọn những rác rưởi là tàn tích giang hồ, gom lại 10 bao, cột thật chặt, giữ được đôi ngày.
10 giờ sáng Chủ Nhật, mang chai không bỏ thùng giấy. Những chai trống gió kêu nho nhỏ, dường như hỏi rằng, khi nào gặp lại?
10 giờ sáng Chủ Nhật, chia tay. 34 bàn chân lại dẫm lên đau rách đám lá ngoài sân. Tiếng kèn vang lộng chấm dứt khúc nhạc 2603. Chỉ còn tiếng xe hơi rời bỏ chốn hẹn hò.
12 giờ, người cuối cùng rời căn nhà Big Horn. Ra đến ngoài đường nhìn lại. Trên sàn gỗ sau sân vẫn còn 16 chiếc bóng lờ mờ lai vãng.
Hai bóng lặng lẽ chắc là Nguyễn Xuân Thiệp, Khuất Duy Quang.
Bóng say sưa có lẽ, Thận Nhiên, Vũ Đức Dzuy, Nhật Hoàng.
Bóng chụp hình đúng là Andy, Mỹ Hạnh, Hồ Đình Nam và Nguyệt.
Bóng yêu đương có lẽ, Trần Vũ và Thanh Mai.
Bóng vội vã có thể,  Kim Ngọc và Khuất Ý Trâm.
Bóng lưu luyến còn lại, Ngọc Loan, Ngu Yên, Ngọc Phụng.
Những chiếc bóng đứng ngẩn ngơ, tưởng tượng ngày trở lại, như “…đoàn cỏ cây hãy còn trẻ thơ, cho đến bay giờ đã thành đoàn cổ thụ già….”

Một lát sau, bóng dần dần tan biến vào không gian bị thời gian hủy hoại.
NY


Bài đăng phổ biến