TIN VĂN NGHỆ
Nhà văn Lương Thư Trung tái bản ‘Mùa Màng Ngày Cũ’.
Nhà văn Lương Thư Trung
Anh Lương Thư Trung vừa viết thư cho bạn bè loan báo:
Cuốn Mùa Màng Ngày Cũ do Thư Ấn Quán in năm 2011, nay đã tuyệt bản; và anh dự định nhờ tuần báo TRẺ in lại cuốn này sau khi viết thêm 10 mùa mới dùng để lưu giữ làm kỷ niệm và riêng tặng bằng hữu rất thân và thương mến đời sông nhà quê cùng những mảnh đời chân lắm tay bùn.
Lương Thư Trung là nhà văn chuyên viết về đời sống ở miệt Thất Sơn Châu Đốc ngày xưa. Tính tình hiền hòa, chân thật, anh được nhiều bạn bè thương mến. Phố Văn với anh có mối giao tình đặc biệt. Còn nhớ loạt bài Mùa Màng Ngày Cũ xuất hiện đầu tiên trên Phố Văn khi anh đóng góp bài Mùi Hương Xoài rồi những bài kế tiếp. Nay nghe anh tái bản MMNC, anh em xin có lời chúc mừng.
Sau đây mời các bạn đọc hai bài anh Lương Thư Trung gởi kèm -một của anh viết lời ngỏ khi tái bản cuốn sách, một của nhà văn / bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc viết lời giới thiệu cho lần in này.
BẠN VĂN
VÀI LỜI NGỎ NHƠN “MÙA MÀNG NGÀY CŨ” TÁI BẢN
Thưa các bạn,
Sau gần bốn năm, Mùa Màng Ngày Cũ do Thư Ấn Quán in năm 2011, nay đã tuyệt bản. Có được như vậy là nhờ sự ủng hộ của hầu hết các bạn đọc xa gần từ khắp nơi kể cả ở Việt Nam. Là người ghi lại những mùa màng ngày cũ ấy, tôi xin chân thành cảm ơn các bạn rất nhiều. Và cũng để đáp lại tấm thạnh tình đó của các bạn, tôi cố gắng ghi thêm khoảng mười mùa nữa hầu bổ khuyết những mùa màng chưa được nhắc đến trong bản in lần trước.
Thoạt đầu tôi dự định để những mùa mới viết sẽ in chung với những bài viết khác như một “Mùa Màng Ngày Cũ 2”, nhưng thấy làm như vậy, rất bất tiện cho những bạn nào chỉ muốn biết qua về các mùa màng ở nhà quê thôi thì phải tìm kiếm tới hai cuốn sách, mà nay như cuốn in lần trước chính tôi còn không có, thì làm sao các bạn lục tìm ở đâu có được. Do vậy mà lần in lại tập sách này tôi đã đúc kết thêm mười mùa mới nữa như một bức tranh quê tàm tạm đủ về các công việc ở nhà quê hầu mang đến các bạn chút tình quê còn sót lại sau sáu bảy chục năm qua mà nay thì trời đất và mùa màng cũng đã thay đổi rất nhiều rồi,không giống như ngày trước nữa, hầu chia sẻ cùng các bạn.
Thêm vào đó, lần này còn có ý kiến rất chí tình của một bạn đọc chưa hề quen biết trước, từ Florida, anh Thúc Khanh, đã gởi chia sẻ với tác giả, cũng sẽ được cập nhật vào phần phụ lục như một tỏ bày chút tình với dân quê qua những dòng chữ chứa chan niềm thân ái của bạn đọc.
Đặc biệt lần tái bản này, chúng tôi có nhận được bài viết từ một vị lương y và cũng là một nhà văn, nhà thơ, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc ở Sài Gòn, qua bài viết “Còn Thương Rau Đắng…” sau khi tác giả đọc “Mùa Màng Ngày Cũ” bản in lần trước. Với sự cho phép của tác giả, bài viết của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc được in nơi các trang đầu cuốn sách như một lời giới thiệu Mùa Màng Ngày Cũ trong kỳ tái bản này.
Thú thật, tôi không phải là nhà văn, và cũng không biết viết văn, mà tôi chỉ là một người nhà quê già có một thời dầm mưa dãi nắng trên những cánh đồng, nên biết được chút gì thì nay ngồi ghi chép lại chút nấy hầu mang lại cho các bạn chút hương sắc nơi chốn quê mùa với hy vọng mang lại cho bạn chút êm ả nơi tâm hồn… Dĩ nhiên, dù cố gắng thế nào, tôi biết mình không làm sao tránh khỏi những thiếu sót hoặc sai trật. Kính mong các bậc cao minh và các bạn chỉ dạy và bổ chính giùm cho những thiếu sót ấy.
Xin chân thành cảm ơn các bạn, cùng những ân nhân gần xa đã ủng hộ, cùng khích lệ tôi trong những trang sách viết về nhà quê trong những ngày qua với lời cầu chúc quý vị thân tâm thường an lạc.
Trân trọng,
HAI TRẦU-LƯƠNG THƯ TRUNG
Tân Bình, ngày 06-12-2014
“CÒN THƯƠNG RAU ĐẮNG…” (*)
Bạn có bao giờ Xúc Lùm, Nhảy Hùm, Quậy Đìa, Xuống Bửng, Đặt Lợp, Đặt Lờ, Đặt Rù, Chận Ụ, Làm Mùng, Bắt lươn, Bắt lịch… chưa? Chưa hả? Thì không có gì tốt hơn đọc Mùa màng ngày cũ của Lương Thư Trung tức Hai Trầu đi! Tôi ở miệt biển, Lagi, hồi nhỏ thỉnh thoảng mới được về quê ngoại ở Phong Điền theo người ta tát đìa bắt cá, cắm câu… mê lắm, nhưng quả thực đọc Hai Trầu mới biết ở miền Tây đời sống người dân quê mình nhiều sinh hoạt phong phú biết chừng nào!
Miền Tây, hai tiếng thôi đã nghe lòng nôn nao nhớ một bài hát cũ: “… Có ai về miền Tây/ Lúa mùa thơm thơm mãi/ Dừa xanh nghiêng chênh chếch/ Cá ngược dòng sông đầy…” (Y Vân). Cá ngược dòng sông đầy nên mới có Xúc lùm, Quậy đìa, Chặn Ụ, Làm mùng và mới có Mùa xạ lúa, Mùa cấy lúa, Mùa bắp, Mùa đậu… Về miền Tây, để ngẩn ngơ mấy cây cầu khỉ, ngẩn ngơ những chuyến phà ngang: “Em xinh tươi trong chiếc áo bà ba/ Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm/ Qua bến bắc Cần Thơ…” (Trần Thiện Thanh). Về miền Tây, còn đó thứ tình nghĩa chân thật dù vật đổi sao dời… nên mỗi lần đọc lại Tình nghĩa giáo khoa thư của Sơn Nam, đọc lại Ba anh em nhà họ Điền, chuyện Lưu Bình Dương Lễ không sao không cảm thấy lòng rưng rưng!
Khi bạn tôi, bác sĩ nhà văn Ngô Thế Vinh báo động “Dòng sông nghẽn mạch”, “Cửu long cạn dòng…” và với không ngớt những tin tức đáng buồn hằng ngày hôm nay trên báo chương, những truyện dài truyện ngắn khiến ta không khỏi thấy lòng se thắt, cho đến khi đọc được Hai Trầu mới có lại chút niềm tin.
Bạn có để ý không, Xúc lùm, Nhảy hùm, Quậy đìa, Xuống bửng… toàn những động từ không đó nhé. Vì nơi đó tay làm hàm nhai. Vì nơi đó một nắng hai sương. Vì nơi đó người ta ham làm chớ không ham nói, không ham hý luận nọ kia!
Lương Thư Trung với lối viết trong sáng, nhưng không khỏi đôi lúc làm ta giựt mình:
“những tháng nước ương và xoay chiều ấy là lúc mấy chị tôm trứng cũng dạo chơi khắp các vùng sông rạch…”
“…chống xuồng hoặc đi bộ, bước nhè nhẹ gần tới ống trúm, thò tay mở nhẹ cái gù ở đuôi ống trúm, nhanh tay cầm cây cắm miệng ống trúm, nhổ lên thật lẹ…
“…vào tháng tư, khi trời mưa già, nước bùn trên các con đường quê chảy xuống sông rạch làm nước sông các nơi ngầu đục, là cá chốt giấy trong các dòng sông bắt đầu thè lè những căp trứng chuẩn bị một mùa lên đồng để tìm chỗ đẻ”
“…câu quăng thì có… giường câu dài ba bốn chục thước… Khoảng chừng hút tàn điếu thuốc là bắt đầu nhổ cây sào lên và phăng giường câu vào bờ để gỡ cá”.
“…giữa tháng năm, các con rạch nước ương ráo trọi. Các bãi bùn không còn phơi mình dưới ánh nắng như những ngày hè, và cặp mé kinh, cỏ dương như mừng nước ương, chú lại bỏ ngọn, bò dài ra thêm…
Đọc Lương Thư Trung Hai Trầu, ta như bắt gặp một người quen cũ đã bao năm: nước ương, mưa già, thè lè, ráo trọi…
Rồi lại giựt mình thêm với chuyện cá tôm bỗng dưng mà dính tới “đạo”:
Đạo cang thường chẳng phải cá tôm
Đang mua mớ nọ, chạy chồm mớ kia
Thì ra đạo ở trong đời là vậy!
Giải thích về chuyện tại sao viết Mùa màng ngày cũ, Lương Thư Trung bảo:
“Chỉ mong tặng bạn đọc một bức tranh nhà quê với bao mùa màng một thời mà nay đã phai nhòa đi nhiều lắm rồi…”. Sáu bảy mươi năm, mới thôi, mà đã quá xa! Ngày nay, toàn cầu hóa, thế giới phẳng, một sát na đã qua là một pháp giới khác. Ai còn nhớ đến chuyện quê xưa?
Mùa màng ngày cũ với tôi là một chút tình quê, một “khung trời kỷ niệm”, một “rau đắng nấu canh” (Bắc Sơn)!
Đọc Lương Thư Trung tôi không thể nào không nhớ Nguyễn Hiến Lê, người con gốc Bắc chọn đất phương nam này làm quê hương vì thấm cái nghĩa cái tình. Những năm cuối đời, ông thường về Long Xuyên, quê hương thứ hai của ông mà bùi ngùi nghe lại câu hò ngày cũ:
“… chèo vô Núi Sập lựa con cá khô sặt cho thiệt ngon,
lựa trái xoài cho thiệt giòn,
đem ra Long Xuyên lựa gạo cho thiệt trắng, thiệt thơm,
em về em dọn một bữa cơm
để cho người quân tử
hò ơ… để cho người quân tử ăn còn nhớ quê…”
lựa trái xoài cho thiệt giòn,
đem ra Long Xuyên lựa gạo cho thiệt trắng, thiệt thơm,
em về em dọn một bữa cơm
để cho người quân tử
hò ơ… để cho người quân tử ăn còn nhớ quê…”
Cho nên cảm ơn Mùa màng ngày cũ của Lương Thư Trung – Hai Trầu- mà viết đôi dòng này cho tập sách sắp tái bản của anh nghe nói sẽ có thêm chừng mươi “mùa” nữa đó vậy.
ĐỖ HỒNG NGỌC
(Saigon 5.12.2014)
……………………………………………………
(*) Còn thương rau đắng mọc sau hè (Bắc Sơn)