Hành trình kì thú khám phá xứ chùa vàng, kho bạc của nhà vua
Sóc Trăng được phiên âm và gọi trại từ “Srok Kh’leang” trong tiếng Khmer mà ra, có nghĩa là “xứ có kho chứa bạc của nhà vua”.
Sóc Trăng được phiên âm và gọi trại từ “Srok Kh’leang” trong tiếng Khmer mà ra, có nghĩa là “xứ có kho chứa bạc của nhà vua”.
"Người dân quê tôi Sóc Trăng/ Đã bao đời dầm mưa dãi nắng/ Đổi lấy chén cơm thơm ngọt/ Như sữa mẹ mát ngọt đời con/ Sông quê tôi đổ về ba ngã/ Cây trái ngọt uống dòng phù sa...".
Đó là những giai điệu ngẫu hứng và thấm đượm tình quê trong bài hát “Sóc Sờ Bai Sóc Trăng” của nhạc sĩ Thanh Sơn, và tôi đã lần theo lời mời gọi hữu tình trong câu hát ấy để đến với quê hương Sóc Trăng đôi ba lần, để rồi nhận ra, chẳng thể nào dùng vài câu hát, lời nói để mà nhắc đến tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long xinh đẹp ấy.
Nếu bảo tôi kể ra những điều thú vị gì khi nhắc đến Sóc Trăng, tôi sẽ kể rằng…
Sóc Trăng có chợ nổi Ngã Năm chân chất
Tôi vốn thích miền Tây sông nước, và càng có hứng thú đặc biệt với những ngôi chợ nổi miền Tây Nam bộ. Chẳng phải có lời khuyên hữu ích dành cho du khách rằng, nếu muốn khám phá nền văn hóa và phong tục tập quán thật sự của người địa phương, nên đến với chợ hay sao?
Điều thú vị hơn nữa là, giữa sông nước bao la, nhìn thấy cảnh thuyền bè tấp nập xuôi ngược, cảnh họp chợ vui vẻ và chộn rộn, cảnh mua bán chân tình và nhiệt thành, lòng người lữ khách thị thành cũng vì thế mà trở nên phóng khoáng và thư thái.
Sóc Trăng – miền Tây sông nước nhiệt thành
Không như những ngôi chợ nổi khác của khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã bị “du lịch hóa” (chẳng hạn chợ nổi Cái Răng ở thành phố Cần Thơ, chợ nổi Cái Bè của tỉnh Tiền Giang), chợ nổi Ngã Năm được xem là ngôi chợ nổi hiếm hoi còn sót lại bởi nét dung dị, chân chất, hoàn toàn là một ngôi chợ nổi mang đậm hương sắc địa phương.
Chợ nổi Ngã Năm nằm ở phường 1, thuộc thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Sở dĩ chợ có tên gọi là Ngã Năm vì ngôi chợ này họp ở nơi giao điểm của năm con sông đi năm ngã: Cà Mau, xã Vĩnh Quới (thị xã Ngã Năm), huyện Thạnh Trị (tỉnh Sóc Trăng), huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), Phụng Hiệp (Hậu Giang).
Chợ nổi Ngã Năm mang đậm hương sắc địa phương
Hiện tại, đã có một ngôi chợ đứng yên ở trên bờ ngay trung tâm thị xã, nhưng kề đó vẫn còn cảnh thương lái chở hàng ngược xuôi trên sông, bán buôn sầm uất, nên chợ họp đông nhất vẫn là vào thời điểm sáng sớm (khoảng 4-5g sáng).
Du khách đến đây có thể tranh thủ dậy thật sớm, rồi thuê một chiếc đò chèo tay và cùng người chèo đò – “hướng dẫn viên du lịch” thân thiện và nhiệt thành nhất, để hòa mình vào một ngôi chợ nổi địa phương sầm uất, rộn ràng nhưng không kém phần thú vị.
Sóc Trăng – Xứ sở của những ngôi chùa đặc sắc
Sóc Trăng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó nhiều nhất là người Khmer, số còn lại là người Hoa, người Chăm. Cùng với người Kinh, tất cả cùng chung sống hòa thuận và xây dựng nên một Sóc Trăng thanh bình nhưng đa bản sắc văn hóa. Bản thân tên gọi Sóc Trăng cũng được phiên âm và gọi trại từ “Srok Kh’leang” trong tiếng Khmer mà ra, có nghĩa là “xứ có kho chứa bạc của nhà vua”.
Một trong những ví dụ điển hình cho sự đa dạng văn hóa truyền thống của Sóc Trăng ấy chính là các kiến trúc Phật giáo trên địa bàn tỉnh. Theo những người dân ở đây, có khoảng 200 ngôi chùa ở Sóc Trăng. Trong đó, có rất nhiều ngôi chùa kiến trúc Trung Hoa và chùa Phật giáo Nam tông Khmer mang lối kiến trúc đặc sắc, trang trí tinh tế, có lịch sử lâu đời cùng những câu chuyện tâm linh hấp dẫn.
Chùa Kh’Leang cổ kính
Chùa Chén Kiểu độc đáo
Chùa Som Rong ấn tượng
Du khách đến Sóc Trăng không thể không ghé qua chùa Kh’Leang - một trong những ngôi chùa Khmer cổ kính ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với lịch sử gần 500 năm cùng dấu ấn kiến trúc Khmer đậm nét nhưng vẫn pha trộn phong cách Việt – Hoa đặc biệt trong cách bài trí.
Nếu như chùa Chén Kiểu (còn gọi là chùa Sà Lôn, Wath Sro Loun) gây tò mò bởi phong cách kiến trúc Khmer “độc nhất vô nhị” vì các bức tường được ốp bởi những mảnh chén, dĩa, sành sứ đẹp lạ, thì chùa Som Rong (Bôtum Vong Sa Som Rong) sẽ để lại ấn tượng trong lòng du khách bởi bức tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn có kích thước: dài 63 m, cao 22,5 m trên mái chùa.
Chùa Quan Âm Linh Ứng thu hút
Và một ngôi chùa thu hút khác không thể không kể đến ở “xứ có kho chứa bạc của nhà vua” chính là chùa Quan Âm Linh Ứng (chùa Phật Học 2, khu Văn hóa Tín ngưỡng thành phố Sóc Trăng). Thực tế, công trình nằm trên một diện tích rộng tới 8,5 ha này không chỉ là một địa chỉ tâm linh đặc sắc, mà còn là một quần thể bao gồm nhiều khu vực chiêm bái, vãn cảnh, một nơi thư giãn an yên và hấp dẫn của thành phố Sóc Trăng.
Sóc Trăng có cù lao Dung hiền hòa dưới những tán dừa
Cù lao Dung (còn gọi là cù lao Vuông, cù lao Chằng Bè, Kắc Tung,…) là một huyện cực Đông của tỉnh Sóc Trăng, nằm cuối nguồn dòng sông Hậu, có hai cửa Định An và Trần Đề đổ ra biển Đông. Cù lao Dung nằm cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 20 km, nhưng chỉ cần lên chuyến phà rời thành phố đưa sang, người lữ khách đã có thể cảm nhận không khí mát mẻ, thanh bình của xứ cù lao mang lại.
Cù lao Dung thanh bình nằm cuối nguồn dòng sông Hậu
Những hàng dừa xanh mát soi bóng bên kênh rạch chằng chịt
Tuy không có nhiều hoạt động giải trí thư giãn dành cho khách du lịch thông thường, cù lao Dung chiếm lấy cảm tình của du khách bởi vẻ chân phương và hiền hòa của những khu vườn xanh mát. Này là kênh rạch chằng chịt, lòa xòa những tán dừa xanh soi bóng, cây nào cũng thấp lè tè mà trái thì sum suê. Này là vườn xoài, nhãn, bưởi, cam,… lúc lỉu mùa nào trái nấy.
Cũng chẳng thể nào quên được nụ cười đôn hậu của người dân quê khi bất chợt nhìn thấy những du khách đến từ phương xa…
Các món ăn địa phương hấp dẫn của Sóc Trăng
Chắc hẳn nhiều người biết đến Sóc Trăng bởi danh xưng là quê hương của bánh pía. Đó là loại bánh đặc biệt với lớp vỏ từ bột mì nhào với mỡ nước, còn phần nhân được làm từ đậu xanh, sầu riêng, trứng muối,... Nhưng quê hương Sóc Trăng đâu chỉ có vậy, ngược lại, bởi sự đa dạng về dân tộc mà nền ẩm thực truyền thống của tỉnh cũng phong phú không kém.
Nếu đã đến Sóc Trăng, du khách còn ngại ngần gì mà không thử thưởng thức đặc sản của người Khmer, người Hoa nơi đây, qua tô bún nước lèo, bún gỏi dà, bún vịt nấu tiêu, bánh cống, mì sụa,… Khi ra về, người lữ khách chớ quên tìm mua các món đặc sản hấp dẫn như: khô cá Trần Đề, xá bấu (củ cải muối) Vĩnh Châu, mè láo, bánh pía,… để làm quà, ghi nhớ một vùng đất đa văn hóa nhưng thân tình.
Ẩm thực Sóc Trăng đa dạng và phong phú
Hẳn là Sóc Trăng còn rất, rất nhiều nơi cùng những câu chuyện hay ho và thú vị để nhắc đến. Tuy nhiên, tôi xin nhường những câu chuyện ấy cho độc giả tự khám phá và kể lại. Cũng là, để cho chính bản thân mình còn có cớ mà quay lại Sóc Trăng, ghé thêm vài nơi duyên dáng, thăm thêm vài chỗ thanh bình…